Lạm phát về thời gian

Hôm nay mình đi khám sức khoẻ tâm lý. Thực ra cũng không có gì lắm, coi như một thời gian đến gặp bạn cũ và tách mình ra khỏi cuộc sống đi làm để dành thời gian cho bản thân. Kết luận cũng khá chung chung nhưng tập trung vào việc nên giữ ổn định tinh thần và hạn chế những cảm xúc thái quá. Ngoài thì cũng có chẩn đoán về một số dấu hiệu trầm cảm nhẹ (dựa theo bệnh án cách đây 2 năm), nhưng ai mà tin 1 thằng 23 tuổi, ngại giao tiếp xã hội, nghiện chơi game, thích ở nhà đọc truyện, gặp vấn đề với cân nặng, vẫn sống với bố mẹ, không hứng thú với yêu đương, và thiếu ngủ lại bị trầm cảm cơ chứ. Tuy nhiên, bất chấp việc nhe nhởn hớn hở sống qua ngày cùng tinh thần lạc quan thái quá của mình về cuộc sống thì người khám (bạn mình), lại đưa ra một nhận xét khá thú vị trong việc so sánh tinh thần của mình với thị trường chứng khoán (hình như bác sĩ ngoài thời gian làm chuyên môn còn quan tâm tới đầu tư), với nhận định về việc biến động về tinh thần cũng như giá trị cổ phiếu, một chu kì tăng trưởng nóng thường sẽ tiếp nối bởi giai đoạn suy giảm sâu, và rằng đối với cảm xúc, việc tâm trạng lên xuống thất thường còn nguy hiểm hơn tình trạng tăng trưởng chậm nhưng ổn định. Ý tưởng khá hay, đồng thời cũng cho mình một số suy nghĩ về cuộc sống bản thân trong thời gian qua. Liệu những vui vẻ gần đây chỉ là tăng trưởng giả tạo, được kích thích bởi tâm lý vui vẻ quá mức và việc uống café qua độ, tiếp nối bởi giai đoạn u uất thường thấy hàng năm.

Theo một cách nhìn, cuộc sống cá nhân có thể chia làm 2 phần chính, nhưng gì mình làm mỗi ngày và cảm giác của mình về những việc mình làm mỗi ngày. Ở góc nhìn của mình, cảm giác của mình mỗi ngày phụ thuộc và đánh giá của cá nhân về việc mình làm so với nguồn lực bỏ ra (thời gian) .Theo cách nhìn của mình, 2 yếu tố việc mình làm và thời gian bỏ ra (tương đối tuỳ theo nhận thức) có thể so sánh với GDP và lạm phát tiền tệ, vào theo các lý thuyết kinh tế cơ bản thì tăng trưởng kinh tế thường đi đánh đổi bằng lạm phát về tiền tệ, và gần đây mình đang đánh đổi kha khá, giữa việc tăng số lượng việc mình làm, với lạm phát về nhận thức cá nhân đối với thời gian. Theo số liệu đo lường bởi một ứng dụng tên là Life Circle, thì gần đây mỗi tuần mình đang dành 75h ở công ty (trừ 10h ăn trưa, học, và đi lung tung) thì đâu đó sẽ rơi và 63 giờ làm việc; thời gian cho việc học rơi vào 3,5h/ ngày, tương đương với 25 trên tuần, và thời gian cho các hoạt động tri thức viễn tưởng như đọc sách (dạy làm giàu vớ vẩn hoặc ứng xử ba lăng nhăng) hay đi hội thảo phân tích (thường là mời sản phẩm trá hình rơi vào 7h. Nghĩa là, theo một định nghĩa ở nơi nào , thì mình đang hoạt động gấp 2 lần so với bản thân trước đây (vốn chỉ rơi vào 45h cho các hoạt động nhân tạo này mỗi tuần), nhưng đi kèm với đó là thời gian cho các động khác eo hẹp lại. Khi thời gian cho những hoạt động “có ích” gia tăng, hệ luỵ là quỹ thời gian cho những hoạt động còn lại phải co lại hoặc phải bị loại bỏ. Và đây là lúc lạm phát về thời gian bắt đầu trả thù mình. Với việc hoạt động 90h/ tuần (như trong một quyển sách dạy cách sống với đời nào đó khuyên), quỹ thời gian còn lại của mình chia vào 3 việc chính, 10h để tìm kiếm các biện pháp xoa dịu bản thân, 50h để ngủ (đã cắt bớt 12,5% so với thời gian ngủ cần thiết), và 16h cho tất cả các hoạt động còn lại (bao gồm cả lái xe 45p/ ngày). Khi làm được nhiều thứ hơn, việc mình phải đánh đổi bao gồm mất thêm thời gian để giải quyết hậu quả của việc quá tải, cắt giảm thời gian cho những việc quan trọng (như ngủ), và cuối cùng là thay đổi nhận thức về thời gian (như tiền mất giá hàng năm). 3 hoạt động này, dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng góp phần biến đổi tâm lí và đe doạ tới tinh thần cá nhân.

Việc đầu tiên, qua tập trung vào công việc dẫn tới mình phải tìm kiếm các giải pháp để xoa dịu những tổn thất về tâm hồn (nếu có thật). Việc cắt giảm thời gian đi chơi với bạn bè dẫn tới một hệ luỵ là nhu cầu ăn uống ra tăng. Ở góc độ tư tưởng, thì khi nhìn vào những người gia tăng cân nặng, một người bình thường sẽ cho rằng anh ta gần đây cải thiện được thu nhập, một người quái gở sẽ cho là kẻ đó không kiểm soát được thói quen ăn uống cá nhân, còn một triết gia thì sẽ đánh giá anh ta đang tìm kiếm một thứ gì đó để lấp đầy sự trống rỗng bên trong bản thân. Ở góc độ nhân tư hơn, thì việc ăn uống quá độ, thay vì để thoả mãn nhu cầu cá nhân, là một biện pháp vô thức để xoa dịu nỗi trỗng trải trong tâm hồn. Tiếp đó, việc quá tải trong cách thức kỉ luật cá nhân dẫn tới kết quả là nhu cầu đối với những chất kích thích có cồn bắt đầu hình thành. Khi một người bắt đầu uống rượu hoặc bia, ở góc độ xã hội, đó có thể là hành vi hoà nhập, ở góc độ tư tưởng, thì có thể cho rằng anh ta đang tìm kiếm một giải pháp để tự làm mất cân bằng trong cuộc sống cá nhân. Với động cơ đến từ áp lực tự kiểm soát bản thân quá mức, một cá thể sử dụng đồ có cồn để chống lại phần nhận thức đang tự kìm kẹp bản ngã phải tuân theo một chuẩn mực xã hội nhất định do người khác đề đặt (hành vi này giải thích tại sao tỉ lệ sử dụng rượu bia ở những cá thể thuộc các tập thể yêu cầu kỉ luật cao hoặc vị thanh niên đang chịu sự kiểm soát của bố mẹ sẽ cao hơn mức trung bình một chút). Việc tách rời khỏi xã hội chung đem lại hệ luỵ về gia tăng nhu cầu hoà nhập. Nghe nhạc hoặc ở mức độ cao hơn, là đi đến tụ điểm nghe nhạc (bar, club), là một trong những dấu hiệu của việc thiếu hoạt động xã hội cần thiết ở một cá nhân. Hành vi này, có thể giải thích bởi sở thích cá nhân, nhưng từ góc nhìn của động cơ chủ thể thực hiện, việc tìm kiếm âm thanh (với cường độ khác nhau tuỳ theo tình trạng của vấn đề) để đảm bảo với bản thân là cuộc sống vẫn diễn ra, là một kết quả của sự thiếu thốn hoạt động xã hội. Và cuối cùng, việc đi du lịch, một cách để thoát khỏi cuộc sống thực tại, phản ánh dấu hiệu của cả sự mệt mỏi với cuộc sống cá nhân lẫn sự thất vọng với cuộc sống hiện tại (ở góc độ lạc quan thì sẽ mô tả là để xả hơi khỏi công việc, và thay đổi không gian sống). Tất cả những vấn đề này, tiêu tốn trung bình 5-10h/ tuần để xử lí hậu quả do việc tự làm quá tải bản thân, và thường được cố suý dưới khẩu hiệu “work hard play hard”. Trong ngắn hạn, những hành vi này sẽ giúp xao lãng bản thân chủ thể khỏi những áp lực cuộc sống, nhưng trong dài hạn, những hành vi này sẽ dẫn tới việc mất dần hứng thú cũng như trở thành một hoạt động để “giết thời gian”, là tiền đề của lạm phát thời gian.

Vấn đề thứ hai, việc cắt giảm những thời gian cần thiết khác. Khi quỹ thời gian cho làm việc và xả stress phình ra, hành động cắt giảm thời gian là điều hiển nhiên sẽ xảy ra. Hành vi này ở mình bắt đầu từ việc cắt giảm quỹ thời gian để ngủ, vốn là một khoản thời gian khá lớn nhưng vô cùng quan trọng. Việc cắt giảm thời gian ngủ để lại 2 hệ luỵ nguy hiểm, một là gia tăng contisol, tiền thân của bệnh gia tăng cân nặng, và stress, và hai là sự giảm minh mẫn trong phần còn lại của ngày, dẫn tới mất kiểm soát về thời gian cũng như về dài hạn, làm mất đi nhận thức về thời gian từ khoảng 8-9 giờ sáng và 1-2 giờ chiều. Trong dài hạn, việc cắt giảm giấc ngủ còn dẫn tới việc không có thời gian để xử lí thông tin tiếp nhận trong phần còn lại của ngày, làm giảm đi giá trị của những thời gian cho việc khác, một phần gián tiếp làm thời gian mất dần đi giá trị. Cắt giảm thứ 2 sẽ tập trung vào quỹ thời gian cho bản thân, và các hoạt động cá nhân, vốn là thời gian quan trọng nhất trong ngày. Những thói quen ngớ ngẩn như đánh răng khi gội đầu, đọc sách khi ăn, gấp chăn cẩn thận trước khi đi ngủ, hoặc nghĩ về công việc khi đang lái xe đâm trồi nảy lộc từ hành vi này. Thật sự khá là may vì mình chưa có gia đình nên thời gian có khá thoải mái, nhưng thử hình dung việc cắt giảm thời gian cá nhân sẽ tác động tới gia đình ở mức nào khi bạn đã có gia đình. Và cuối cùng thời gian bị cắt giảm bao gồm thời gian để làm những gì mình thích. Việc này trong ngắn hạn sẽ có vẻ vô hại, nhưng trong dài hạn, khi nhớ lại những năm 23 tuổi, thời gian mình nghĩ tới sẽ tràn ngập trong việc chạy đua, thay vì có khoảnh khắc vui vẻ ngồi code linh tinh để xây 1 cái app (dù không ai dùng). Trong dài hạn, việc bóp nghẹt thời gian của cuộc sống ngoài để lại những hệ luỵ nhìn thấy được, còn dẫn tới việc thời gian mình bỏ ra sẽ dành cho những việc mà bản thân trong tương lai nhận ra là không có giá trị, là lãng phí thời gian đáng sử dụng.

Vấn đề cuối cùng, nghiêm trọng nhất. Việc sử dụng thời gian thiếu kiểm soát dẫn tới nhận thức về thời gian trôi qua đang dần có vấn đề. Cách đây 1 năm, cảm giác của mình đối với 1 tuần khác xa so với cảm giác của mình đối với 1 tuần trong hiện tại. Lí do thời gian trong hiện tại dần như trôi nhanh hơn nhiều so với cảm nhận về thời gian của mình trong quá khứ, một phần do việc hồi đi học phải học mấy môn như Pháp luật trong TMQT khiến cho thời gian trôi như vô tận, phần còn lại ảnh hưởng bởi ý thức đối với thời gian của cá nhân có sự thay đổi. Đối với thời gian mình dành cho công việc, học tập, việc luôn phải có một deadline cụ thể khiến cho thời gian trôi qua nhanh quá mức cần thiết. Nhu cầu tìm kiếm thời gian nghỉ ngơi hoặc cần có thời gian cho bản thân khiến cho giây phút làm việc trôi qua nhanh hơn, và, ở góc độ cá nhân, mình không còn kiểm soát cũng như tận hưởng những giây phút làm việc hay học tập theo tốc độ thời gian thông thường nữa. Vấn đề thứ 2 đối với quỹ thời gian này, là chế độ “tạm ngủ quên” của não bộ bắt đầu được triển khai. Chế độ này xuất hiện trong những buổi trao đổi vô thưởng vô phạt hoặc những công việc cần lặp lại nhiều như làm test kết quả hệ thống. Chế độ này tạo ra một phần trong ngày việc mình chuyển quyền quyết định cho cơ thể tự vận hành, và mất đi 30p – 1h mỗi ngày không kiểm soát. Về dài hạn, chế độ này khiến cho mình cảm thấy thời gian như ngắn lại, vì một phần thời gian trong ngày, thực tế đã không do não bộ kiểm soát trực tiếp nữa. Đối với thời gian dành cho bản thân, quỹ thời gian eo hẹp dẫn tới chế độ “Tự động hoá”, để thực hiện các công việc thường ngày như lái xe, ăn uống. Chế độ tự động này, giống như chế độ ngủ quên, dẫn tới cảm giác về thời gian ngắn lại cũng như mất đi một khoảng thời gian cho việc suy nghĩ. Bên cạnh đó, việc thời gian cho cá nhân bị thu hẹp gián tiếp tạo ra cảm giác không thoải mái và trân trọng thời gian đang có. Cụ thể, mỗi tháng mình đang cảm thấy có 10h mình vui vẻ làm những gì mình thích, và từ đó, cảm giác giá trị của thời gian cũng dần mất đi. Về tổng thể, vấn đề cảm gíác đối với thời gian này còn quan trọng hơn nhiều so với việc thời gian thực tế bị mất đi. Khi bản thân nhận thức về thời gian không còn giá trị như trước đây, thời gian sẽ trôi qua nhanh hơn, và biến mất một cách tự nhiên hơn so với trường hợp giả tưởng là mình không còn nhiều thời gian để sống nữa.

Chung quy lại, theo một cách nhìn, những giai đoạn lạc quan, nếu được nuôi dưỡng bởi những nguyên do không bền vững, như lạm dụng quá càfe hay các chất kích thích khác, sẽ phải trả giá bởi một thời kì buồn khổ, như những chu kì kinh tế (về lý thuyết là thế). Nỗi buồn này của mình, được dự đoán, sẽ bắt đầu bởi việc mất giá của thời gian trong nhận thức cá nhân, và ưu tiên thời gian không hợp lí. Vậy thì, sau những chiêm nghiệm đó, mình đã làm gì để giải quyết vấn đề? Mình đi chạy, và lần đầu tiên trong đời, mình nhận ra mình ghét chạy đến như thế. Trước giờ, mình vẫn ghét chạy, không phải bởi thể chất mệt mỏi, người ngợm dính dớp, việc gặp những người đi chạy (thường là nhiều hơn mức cần thiết với mình), mà mình ghét chạy vì mình không đồng ý với ý tưởng mà chạy bộ đem tới. Mình chạy 5km, và trong suốt 5km đó, thứ duy nhất mình tập trung vào là nhịp thở, con đường phái trước, và đồng hồ đo quãng đường, và ở cuối con đường, mình nhận ra là 3 thứ đó không có giá trị gì. Quãng đường mình đi bộ trở lại nhà, mình nhìn thấy hồ, thấy trời, thấy lá rơi, và đấy là những thứ, trước giờ mình không để ý trên quãng đường chạy bộ.

Leave a comment