Nền tinh anh trị (meritocracy)

Bài viết chứa nhiều ý tưởng cóp nhặt từ Alain de Botton. Viết để tự nhắc bản thân.

Cách đây vài trăm năm, Napoleon đã là người đầu tiên thổi vào xã hội loại người ý tưởng về một nền tinh anh trị, khi mà mỗi cá nhân đều đạt được địa vị, tưởng thưởng và công nhận xứng đáng với giá trị họ đem lại. Đây là một ý tưởng hay và phù hợp với đa phần quan điểm hiện tại, tuy vậy, nỗi lo âu về bản thân, sự thất vọng trước cuộc sống, sự suy giảm của khả năng vượt qua mặc cảm của con người cũng từ đó sinh ra. Trong xã hội hiện đại, việc khó nhất một cá nhân phải làm đó là vượt qua sự kì vọng của bản thân và chấp nhận thực tại.

Trước đây, trong lịch sử loài người, đã từng có giai đoạn chúng ta sống trong hang đá, sống cùng với bệnh dịch, khuất phục trước thiên nhiên và quỳ gối trước những thế lực cao cả hơn như vua chúa. Con người từng chấp nhận số phận của mình và hướng đến những đức tin cao cả hơn như một sự cứu rỗi, từng chấp nhận một công việc nông nghiệp không đủ ăn và phó mặc mạng sống cho thiên nhiên, và từng an phận với địa vị xã hội của bản thân. Một xã hội cũ được xây dựng dựa trên những hệ giá trị cố định với từng nấc thang trong xã hội mang tính phân biệt thứ cấp rõ ràng và không ai muốn/ cần bước qua chúng. Xã hội chúng ta đã từng được xây dựng dựa với các tầng lớp nông dân, trí thức, quý tộc, tăng lữ, … khác nhau, người giàu và kẻ nghèo rõ rệt và ý tưởng một cậu bé chăn trâu bình thường có thể trở thành phú hộ (ít nhất ý tưởng đó đã từng không được cổ súy quá nhiều bởi đảm đông). Xác xuất để một kẻ buôn trở thành quý tộc thấp tương tự tỉ lệ một người giàu bị đào thải khỏi cuộc sống nhung lụa. Những rào cản xã hội được đặt ra, vừa để ngăn cách các cá thể xâm lấn, đảo lộn trật tự tự nhiên (theo cách hiểu của xã hội được thời) và tạo gọng kềm kìm hãm việc phát triển chung. Vấn đề là, phần đông dân cư trong xã hội đó thoải mái chấp nhận vị trí của bản thân mình trong cộng đồng cũng như không tìm cách phá vỡ trật tự xã hội để ít nhất vươn lên trở thành một tầng lớp cao hơn hoặc tốt hơn trong chính hệ thống của mình.

Thời gian trôi qua, các rào cản xã hội được dần tháo bỏ, dọn đường cho một ý tưởng mới về vị trí của từng cá nhân trong xã hội. Giao thương phát triển khiến việc tiếp xúc với tri thức mới trở nên dễ dàng, các sản phẩm mới ra đời cung cấp cho con người thêm nhiều lựa chọn, tôn giáo và tín ngưỡng với những góc nhìn đa chiều vào cuộc sống cho ta thêm sự lựa chọn, mức sống được nâng lên, thời gian sống kéo dài và hình thái tồn tại đa dạng hơn, đem đến cho con người lựa chọn, thứ xa xỉ mà trước đây, trong lịch sử, anh ta chưa từng được nếm trải. Và khi anh ta bắt đầu quen dần với việc làm chủ cuộc sống cá nhân, chiến tranh nổ ra. Trong điều kiện mọi thứ đều khan hiếm và mọi nguồn lực đều có giá trị, một xã hội bình đẳng bắt đầu chấp chới hình thành. Trong chiến tranh, không quan trọng anh là quý tộc với gia sản vô số, là tri thức với kiến thức uyên thâm hay là một anh nông dân vốn cả đời quen với nông nghiệp, anh đều có thể đóng góp một phần tương tự cho cuộc chiến. Bản thân anh bình đẳng trước chiến tranh, như trước sự sống và cái chết vậy. Lần đầu tiên trong lịch sử, có lẽ, vai trò của từng thành phần trong xã hội có thể ngang vai và cùng có quyền kì vọng vào một kết quả tốt đẹp hơn cho cuộc sống của chính mình, và từ ý thức về xuất phát công bằng cho tất cả mọi người, ý tưởng về một nền tinh anh trị nhen nhóm phát triển.

Bản chất, một nền tinh anh trị xảy ra khi con người không còn chấp nhận rằng vị thế của mình trong xã hội được định đoạt từ trước, mà do sự cố gắng, nỗ lực của bản thân tạo thành. Khi một nô lệ vốn chỉ quen phục tùng được lần đầu tiên nhận huy chương vì sự đóng góp trong một sự nghiệp lớn hơn, cuộc đời anh ta đã chuyển dịch sang một hướng mới, và anh ta tin mình có thể tiếp tục tạo ra những thành tựu vĩ đại hơn. Thói quen cúi đầu phục dịch không còn nữa và việc trở lại với nô dịch là điều không thể. Từ ý tưởng, mỗi con người đều có thể trở thành bất cứ thứ gì anh ta mong muốn, kết hợp với sức ý quá lớn từ một phần nguồn lực của xã hội phải sinh ra để nuôi nấng những cá nhân không thực sự xứng đáng ở địa vị của họ, một xã hội ủng hộ thành công của những người nỗ lực và cổ vũ cho việc công nhận sự tồn tại địa vị đi kèm với năng lực cá nhân. Các trường học công và bài kiểm tra chung được sinh ra để đảm bảo cho mọi cá nhân trong cộng đồng đều bình đẳng về đầu vào, các phương pháp sàng lọc và đánh giá để tìm cá nhân xuất sắc nhất hay việc ca tụng những cá nhân dựa trên thành tựu trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Một xã hội, ở đó, người thành công, thường về phương diện tài chính trong thời gian hiện tại, là xứng đáng với năng lực của hắn, còn kẻ thất bại, là do chính sự lười biếng hoặc kém cỏi của bản thân. Việc chuyển dịch từ một cộng đồng tin tưởng vào địa vị được trao bởi những đấng tối cao, sang tin tưởng địa vị đi kèm với năng lực, ngoài những mặt tích cực, để lại những hệ quả tiêu cực vô cùng tàn khốc. Một người nghèo khổ không còn được xem là “bất hạnh” (không được ban cho hạnh phúc), mà thay vào đó là “bất tài” hoặc “vô dụng”. Bằng một sự thay đổi từ từ quyết liệt, các cá nhân trong xã hội dần dần chịu trách nhiệm chính trong cuộc đời mình, và các yếu tố như may mắn hay ảnh hưởng của vai vế không còn quá quan trọng. Một xã hội, khi thành phần của nó công nhận những cá nhân đạt được thành tưu xuất chúng là do anh ta cố gắng mưu cầu và có năng lực, cũng là một xã hội chấp nhận rằng những người đang vật lộn ở đáy xã hội, chưa đủ nỗ lực và, ở những tư tưởng cực đoan hơn, cần phải bị loại bỏ vì sự thịnh vượng chung và sự tồn tại của toàn thể.

Về phương diện bình đẳng và công bằng, nền tinh anh trị tạo ra một lực nén tâm lí khi mỗi cá nhân đều có xuất phát điểm tương đồng, được trao cho cơ hội như nhau và khẳng định một chấn lí sáo rỗng về việc con người sẽ đạt được thành tựu nếu anh ta đủ nỗ lực, và sẽ thất bại vì bản thân anh ta kém cỏi. Một bầu không khi vừa bí bách được chồng chất bởi lực nén từ những cá nhân xuất chúng (theo chuẩn mực được công nhận) khác tạo ra, vừa bị đầu độc bởi những ké xu nịnh – những kẻ chỉ tập trung chú ý vào một nhóm nhỏ tinh anh – mà vô tình, hoặc cố ý tạo sức ép lên phần còn lại của cộng đồng. Sự lên ngôi của việc ca ngợi thành công mà quên đi giá trị lớn lao của bi kịch (vốn dĩ là những bất hành đời thường mà con người chắc chắn sẽ luôn gặp phải) và sự trừng phạt một cách vô tình những điều kẻ “không may”/ “bất hạnh”. Từ nơi đó, sự công bằng mà vốn dĩ hệ tư tưởng muốn tạo ra trở nên phản tác dụng, khi mà một phần xã hội, thay vì chỉ bị trừng phạt vì không có địa vị, nay còn đi kèm với cảm giác đau khổ và thất vọng vì năng lực bản thân.

Một nền tình anh trị, bất chấp những điều tốt đẹp của nó mang lại, tạo ra sức ép vô hình lên những người đang vật lộn với cuộc sống ở tầng thấp hơn của xã hội, nuôi dưỡng sự phụ thuộc của cá nhân và đánh giá của bên ngoài, và dần sản sinh ra những kỳ vọng vô lý, là ngọn nguồn của nỗi bất hạnh kéo dài và có thể không bao giờ được giải thoát.

Leave a comment