Một số suy nghĩ linh tinh về vài tác phẩm văn học.

Nhân ngày đi du lịch có quá nhiều thời gian trên xe để nghĩ quẩn thì mình có một số ý tưởng vu vơ về một vài tác phẩm. Trong những năm tháng đi học thì môn văn luôn là môn học ít thú vị nhất và giúp cho thời gian kéo dài nhất. Gần đây ngồi nghĩ lại thì vấn đề với môn này không hẳn do giáo viên, hay do tác phẩm được học, mà phần lớn lí do mình không thích học văn vì đây là môn bắt mình phải nhìn thế giới qua lăng kính tư tưởng của người khác nhiều nhất. Vì vậy, hôm nay, khi tự dưng được hỏi về một số tác phẩm văn học, mình chợt nhận ra là mình có nhiều ý kiến riêng về một số vấn đề trong vài tác phẩm, và khi được tự do triển khai suy nghĩ về những vấn đề đó thì môn văn cảm giác không còn chán như cũ nữa. Phần lớn các ý tưởng này đều phản động và mang tính chống đối cao là chính, do chịu ảnh hưởng của những cảm giác tiêu cực của mình đi kèm với môn văn.

1. Hoạt động mại dâm của Thuý Kiều: thực tế thì Thuý Kiều không phải do Nguyễn Du xây nên mà là chuyển thể từ truyện của Trung Quốc, vì vậy bên cạnh những điểm hay ho của tác phẩm, mặt trái của Truyện Kiều bao gồm tuyên truyền và cổ suý hoạt động mại dâm, giới hạn và hạn chế khả năng người lao động, và thúc đẩy tư tưởng trọng nam khinh nữ. Thực tế, theo truyện Kiều và tác phẩm văn học gốc, công việc của nhân vật được mô tả dưới góc độ nhẹ nhàng và tinh tế hơn một chút, tuy vậy thực tế Thuý Kiều làm “gái” (theo nghĩa bóng của từ này), và vấn đề với tác phẩm không nằm ở việc mô tả cuộc sống của cô mà nằm ở việc đồng cảm chủ quan cũng như việc quá đẩy cao những đức hạnh của nhân vật chính. Ý tưởng được truyền tải, một cách gián tiếp, là việc làm kỹ nữ ,ở một mức độ nào đó, được chấp nhận nếu bạn có nhân cách cao đẹp. Đẩy cao hơn một chút, việc Thuý Kiều lựa chọn con đường sự nghiệp này là hoàn toàn hợp lẽ nếu cô giữ được nhân phẩm? Tiếp đó, tác phẩm gần như không cho nhân vật một lối đi nào khác ngoài công việc tiếp khách. Gần như trong cả câu chuyện, tác giả đã mô tả người phụ nữ này tài sắc vẹn toàn, thông minh lanh lợi, tuy nhiên đứng trước ngã rẽ của cuộc đời, một người phụ nữ có học, hiểu biết, và thông minh lại chọn con đường làm bán thân. Ngoài việc đây là sự lựa chọn vô cùng ngớ ngẩn và thiếu suy nghĩ thì gần như câu chuyện không cho Kiều bất kì lựa chọn gì khác. Thực tế, với trình độ học vấn và năng lực cá nhân Kiều hoàn toàn có những lựa chọn khác như ca hát hoặc lao động chân tay, và tệ nhất thì là tìm một tấm chồng phù hợp trong xã hội, người mà có thể làm đòn bẩy tài chính tạm thời cho nàng, nhưng không, việc chấp nhận lựa chọn giải pháp tài chính ngắn hạn đã đẩy bản thân nàng vào con đường xã hội lên án. Việc Kiều lựa chọn công việc dở hơi như vậy không chỉ là lỗi của xã hội mà còn do quyết định vớ vẩn của nàng. Ngoài ra, sau khi tham gia vào đường dây môi giới của Tú Bà, theo cách kể chuyện thì Thuý Kiều, một người có năng lực và khả năng giao tiếp, lại tiếp tục chọn công việc vận hành (tiếp đón khách), thay vì những việc khác nàng có thể làm như tuyển dụng, nấu nướng, hay biểu diễn, và nàng cũng không có tham vọng vươn lên trong nghề nghiệp như chủ động định hướng trở thành Tú Bà, hoặc phát triển mạng lưới khách hàng để một ngày có thể về hưu. Gần như, một nữ giới thông minh, có học vấn, và năng lực, bị mô tả như mất hết tham vọng nghề nghiệp và không muốn tự kiểm soát cuộc đời. Vấn đề thứ 3, sau khi đọc xong truyện Kiều, mình có một cảm giác câu chuyện tạo ra một bối cảnh cho ý tưởng “Nếu không có con trai nối dõi thì vào tù là thôi đó” phát triển. Gần như toàn bộ vấn đề của gia đình đều xuất phát từ việc không có nam nhân để lao động. Ngoài ra, sau khi cha Kiều ra tù, gần như không có động thái nào để chuộc lại hoặc tìm lại con cũng khá khó hiểu. Bên cạnh đó, tình tiết thanh niên Kim (Trọng) thì vì không mất chữ hiếu đã để người yêu phải làm gái, là một sự xúc phạm với người đọc khi lần nữa lại đề cao nam giới hơn nữ giới. Tóm lại, truyện Kiều để lại nhiều ý tưởng khá tiêu cực và phản ánh xã hội phong kiến theo hướng hơi ngớ ngẩn một chút, tuy nhiên, thay vì chỉ ra những tình tiết dở hơi trong truyện, phần lớn thời gian mình học tác phẩm này đều dùng để ca ngợi phẩm hạnh của một nàng cave, bất chấp sự vô lý trong cách nàng lựa chọn cũng như bất chấp nhiều hệ tư tưởng với những ý tưởng lỗi thời trong truyện.

2. Hành vi côn đồ xã hội đen của Chí Phèo: nằm trong khuôn khổ những câu chuyện khổ dã man của Nam Cao, viết cách đây 80 năm và có thể đã mất đi tính liên quan tới thực tại là Chí Phèo, một kẻ mà những tội ác thực hiện được hợp thức hoá bằng việc “chỉ là tay sai cho người khác”, tên du côn tống tiền và giả điên có tổ chức được chấp nhận bằng việc “tại anh ý khổ quá”, và hành vi hiếp dâm được cho phép bởi vì “nạn nhân quá xấu và được mô tả là đã lỡ thì”. Phần lớn đọc chuyện Nam Cao mình đều suy nghĩ về những hành động của nhân vật và thường kết thúc bằng suy nghĩ là làm gì phải khổ thế, mà đúng là khổ thật. Các nhân vật khổ dã man ra, từ chết đói, bán chó, thiếu thốn tình cảm, … mà thực tế thì thấy họ khổ như vậy thì để làm gì? Trong xã hội hiện tại, khi mà việc vui vẻ sống đã khó dã man thì việc đọc chuyện về người khác sống cách đây 1 thế kỉ khổ như nào để từ đó cảm thấy hạnh phúc xem ra là một giải pháp hơi có vấn đề. Thôi, quay lại Chí Phèo, rồi, anh là nông dân và chẳng may biến thành xã hội đen, phần lớn do anh say và làm việc cho người khác. Đoạn này thì khá hợp lí vì thanh niên xuất thân học thức không cao, nhưng việc hoàn toàn cho rằng chẳng may tại đen thôi anh mới như thế, thì hơi cẩu thả. Chí Phèo, hơn ai hết, là người nên chịu trách nhiệm đầu tiên với hành động của bản thân mình. Không ai bắt buộc anh phải đi đập phá cướp bóc dân làng cả (có xúi giục nhưng anh hoàn toàn có thể không làm hoặc bỏ đi biệt xứ), nhưng không, việc chấp nhận lương tâm vứt tạm cho chó gặm để kiếm vài đồng uống rượu xem ra đơn giản hơn, và đáng ra thanh niên nên trước hết tự chịu trách nhiệm với bản thân trước khi đi đổ lỗi với rạch mặt. Nhắc đến rạch mặt, do chuyện khắc hoạ hơi tệ, nhưng mình thất ông Kiến cũng không tệ hại đến mức đó. Bá Kiến, ở một góc độ nhất định, là một doanh nhân đang làm giàu cho xã hội và bị đe doạ tống tiền bởi một thằng say với chai rượu vỡ. Thực tế nhìn từ góc độ nông dân thì Bá Kiến là kẻ áp bức và chủ nợ khắc nghiệt. Tuy nhiên, nếu không tồn tại bá Kiến thì những người dân, những kẻ quanh năm vốn quen với việc làm thuê, sẽ đứng dậy và khởi nghiệp cũng như đóng vai trò dẫn dắt chỉ đạo đồng nghiệp khác? Khá khó vì nếu làm được họ làm lâu rồi. Ngoài ra thì việc thuê người đòi nợ, đập phá cũng là thường tình, nếu nhìn từ góc độ chủ nợ, và nợ xấu, nợ quá hạn không trả dâng ở một mức độ nhất định. Có trách thì trách việc Kiến thiếu năng lực trong kiểm soát việc thu phí (luôn rơi vào tình trạng phải đi đòi nợ), quản lí nợ xấu cũng như thuê đối tác xử lí nợ thiếu chuyên nghiệp. Quay lại Chí Phèo, khi chấp nhận rằng Chí nên và phải chịu một phần trách nhiệm với hành động của mình, thì bạn có thể thấy hành động của anh khá là vô lý chưa kể ngu xuẩn. Thay vì báo cáo thường xuyên về tình hình xử lí nợ cũng như yêu cầu các chính sách đãi ngộ tốt hơn, anh để hết ấm ức dồn lại rồi quay sang rượu chè và rồi cuối cùng quay ra rạch mặt ăn vạ. Về góc độ cá nhân thì mình đoán xác xuất Chí chết vì uốn ván do sử dụng công cụ rạch mặt cao hơn là tự vẫn, nhưng theo chuyện, thì hành vi tống tiền, can thiệp vào kinh doanh của Chí diễn ra trong thời gian dài, với nguyên nhân lớn đến từ việc do thái độ của anh không tốt nên bị cả làng tẩy chay không chơi cùng, dẫn tới phẫn uất. Bằng một cách kì lạ nào đó, lỗi không phải từ Chí hay dân làng (nhưng người nên tự trưởng thành lên và xử lí vấn đề giao tiếp với nhau), mà lại thuộc về một doanh nhân đang làm giàu cho xã hội. Và hành động đe doạ tống tiền của Chí Phèo, lại được cho phép diễn ra liên tục mà không có sự giải quyết, can thiệp của chính quyền bản địa cũng như cộng đồng, cho đến khi anh thực hiện hành vi giết người (mặc dù việc bá Kiến giàu đến thế mà không có vệ sĩ riêng cũng như một số biện pháp an ninh nghe hơi vô lí). Ngoài việc đá quả bóng trách nhiệm ra khỏi Chí Phèo (một ý tưởng khá khó hiểu và không có tính giáo dục về việc tự chịu trách nhiệm cho hành vi của bản thân cũng như kiểm soát đồ uống có cồn), thì câu chuyện còn mô tả ý tưởng về hành vi xâm hại tình dục theo một hướng khá đen tối. Ừ thì cô ý xấu, dở hơi, nghèo, và nhiều tuổi mà không ai lấy (có lẽ ý tưởng áp bức tinh thần với phụ nữ trên 30 không chồng là có vấn đề, là từ Chí Phèo đi ra bất kể tuổi thọ trung bình đã thay đổi trong 1 thập kỉ qua), không có nghĩa anh có thể “ăn nằm” với người ta một cách vô tội vạ như vậy. Tổng kết lại, Chí Phèo, một cách nào đó truyền tải một ý tưởng nguy hiểm về ý thức với kiểm soát hành vi cá nhân trong xã hội (khi bạn khổ quá và không có ai chơi cùng thì bạn tống tiền, hiếp dâm, và giết người cũng được), đày đoạ và bằng một cách nào đó hạ thấp phụ nữ trên 30, và đe doạ cũng như xây dựng hình ảnh xấu về chủ nô như bá Kiến (đáng ra ông nên nhận được 1 câu chuyện về người đàn ông bươn trải cả đời, về già bị vợ phản bội, người làm thuê đe doạ, và cuối cùng bị du côn giết hại, nghe cũng khổ mà).

3. Hành vi buôn người, trốn thuế, chống lại người thi hành công vụ, và thói quen hủ tục của gia đình chị Đào, anh Dậu. Trên thực tế thì hai anh chị khổ thật, và ít nhất thì cái khổ của họ có thể đồng cảm, tuy nhiên câu chuyện vẫn vẽ ra nhiều viễn cảnh khó hiểu, từ cả xã hội lẫn hành vi của chị nhà anh Dậu. Câu chuyện xuất phát từ việc hai anh chị dành quá nhiều tiền cho việc ma chay, và sau đó anh Dậu chẳng may bị mất khả năng lao động. Bên cạnh chi tiết được tung ra để người đọc phải chấp nhận đó là ma chay tốn nhiều tiền (cụ thể là nhà anh Dậu lúc đầu cũng khá giả nhưng sau ma chay thì sạt nghiệp đến mức không còn tiền đóng thuế) thì bằng một cách nào đó, việc anh chị không chuẩn bị đủ tiền đóng thuế vì đập cho 2 đám tang lại là hợp lí. Tình tiết vì 2 đám tang dẫn tới không đóng đủ thuế, theo trong truyện, đã chuyển phần trách nhiệm của 2 anh chị trong việc quản lí tài chính cá nhân sang việc hiếu, nghĩa (vốn bị bao trùm bởi hủ tục văn hoá và không đo lường được). Theo một cách nào đó, anh Dậu và chị Đào cũng có một phần trách nhiệm trong việc xảy ra và không chỉ tại chính quyền mới khiến anh chị khổ thế. Vấn đề thứ 2, về việc bán con của chị Đào, bên cạnh việc chứng minh cho khả năng đàm phán kém của chị Dậu cũng như tính thanh khoản thấp của thị trường lao động giá rẻ trong xã hội phong kiến, thì hành vi này, dù được cung cấp với những lí do như “anh chị quá nghèo khổ”, hay “ở với bên cụ Quế sẽ sướng hơn?” đều không phù hợp trong việc hợp lí hoá ý tưởng cha mẹ có quyền quyết định về tương lai con cái (đặc biệt với đứa con phải ăn cơm chó). Về việc đóng thuế, ngoài một phần lớn do phương pháp thu thuế dở hơi của thực dân pháp (nặng nề dựa vào tính tự nguyện của người nộp thay vì có phương pháp khấu trừ trực tiếp từ thu nhập), vốn tạo ra phần lớn mâu thuẫn trong câu chuyện, khó có thể phủ nhận rằng 2 anh chị đã không nộp thuế đúng hạn. Việc nộp thuế, và việc thuế cao, vốn là 2 thứ không liên quan tới nhau và một cách nào đó, qua câu chuyện, thì ý tưởng được truyền đạt là nếu thuế quá vô lí thì hãy vi phạm và đừng nộp (dù trong bối cảnh chuyện thì chị không nộp được do không vay được ai, nhưng đứng từ góc độ hành pháp thì câu chuyện sẽ là chị Đào không nộp thuế, bất kể lí do gì). Bên cạnh đó, chị Đào còn có một vấn đề với việc chống lại người thi hành công vụ. Đứng trước câu hỏi: “Nếu một đám người có khả năng và quyền lực để phá hoại cuộc sốnn của bạn và người thân, cũng như khả năng pháp lí để làm điều đó, đe doạ bạn thì bạn làm gì?” Chị Đào đã trả lời bằng việc hành xử theo cảm xúc và đánh đổi lại bằng việc đặt bản thân vào vòng lao lí và người xung quanh có thể liên đới. Đúng là hành vi của chị có thể hợp lí hoá bởi câu chuyện và cổ động tinh thân “chống lại cường quyền” vốn vô cùng quan trọng trong việc thực thi bạo lực cách mạng trong thời kì, hành vi của chị thể hiện sự kích động, thiếu năng lực kiểm soát cũng như không nhìn vào tương lai dài hạn của phần lớn “quần chúng”. Gần đây, nhìn lại mấy lần cáu gắt và phải trả giá của bản thân, mình lại nghĩ biết thế hồi đó không đọc Tắt đèn, hoặc giá mà đủ khả năng để dẹp cái ý tưởng “chống lại cường quyền” của vợ anh Dậu ra khỏi đầu. Đoạn kết thì kể về việc chị kiếm được tiền gửi cho chồng nhưng có vẻ 2 vợ chồng không có dự định chuộc lại con thì phải, sau đó là tình tiết chị Đào, bất chấp tương lai người thân, chạy bỏ khỏi vấn đề trong cuộc sống do “quá khổ”. Thông qua việc hợp lí hoá bởi do chị không thể làm gì, câu chuyện giúp bản thân mình có thêm một thói quen dở hơi là rời bỏ khi không thể làm gì nữa, mà không có giải pháp gì khác. Tổng kết lại, 2 anh chị khổ thật, nhưng việc khổ quá không hợp lí hoá cho nhiều hành động của 2 người.

Ngoài 3 câu chuyện trên thì còn một vài hành vi khác như cổ suý việc tự vẫn bằng bả chó, phá hoại kho thóc công, ngoại tình và bỏ trốn cùng trai lạ,… khá kì lạ.

Tuy vậy, vấn đề mình muốn đề cập, không phải là việc các tác phẩm này, cho dù câu chuyện thực sự có như nào, có phản ánh đúng sự thực hay không. Vấn đề mình có với văn học, nằm ở việc bản thân phải diễn tả quan điểm và ý tưởng từ người khác. Một sự việc, nếu tồn tại mặt tốt chắc chắn từ góc nhìn khác sẽ là mặt tệ (ví như mặt trái của chú bé loắt choắt đi giao thư là việc chiến tranh sử dụng trẻ con như một công cụ để truyền thông tin vậy). Ở một góc độ nào đó, vấn đề lớn nhất đối với học văn là việc người học không có đủ khoảng trống để thể hiện ý kiến, vốn là đích đến cuối cùng của việc sử dụng ngôn từ. Lớn lên với việc học văn phần lớn là thông qua việc nghe và đọc ý kiến và nhận xét từ người khác như vậy, phần nào đã hạn chế khả năng chia sẻ suy nghĩ bằng ngôn ngữ của học sinh như mình. Khá đáng buồn là lối thoát cho vấn đề này thì chưa mấy ai nhắc đến.

Leave a comment